Cây dó trầm đang vào vụ
Trầm và sản phẩm từ trầm đã được tạo ra từ chính những cây dó bầu (Aquilara crassna). Một số công trình tạo trầm đã được công bố của Blanchette, Henry (2005), Nguyễn Hồng Lam (2003), Đặng ngọc Châu (2002)… Ngoài ra, nhiều công ty sản xuất kinh doanh trầm như Tinh Đất Việt, Phong San, Phương Long, Vĩnh Phúc, Bảy Núi, Fareast Agarwood Trading… cũng đang hoàn chỉnh những “bí quyết” tạo trầm từ cây dó này. Nhờ đó, việc trồng rừng và cấy tạo trầm đã mở ra nhiều triển vọng mới. Tuy vậy, người trồng rừng cũng không khỏi băn khoăn khi tâp trung vốn đầu tư phát triển loài cây bản địa nhiều tiềm năng này.
Hiện nay, trên cả nước có vài chục Công ty Trách nhiệm Hữu hạn (TNHH), Hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực trồng rừng và tạo trầm. Chỉ riêng An Giang đã có mặt gần chục Công ty tới tìm hiểu hoặc hợp tác trực tiếp với các chủ rừng dó bầu. Tại núi Cấm, núi Giài đã có nhiều cây dó bầu 5-10 năm tuổi, được Công ty Bảy Núi thu mua cấy tạo trầm, theo kỹ thuật của TRP (Rừng mưa nhiệt đới) với giá mua 200.000 đồng/cây. Nhiều cây trồng khác cũng được Công ty Phương Long hợp đồng cấy tạo trầm và ăn chia với dân theo tỉ lệ 1:1 sau khi khai thác. Công ty TNHH Vĩnh Phúc đang hợp đồng mua cây dó bầu, 500.000-1.200.000 đồng/cây tùy theo kích cỡ. Cao hơn cả là một hộ gia đình tại núi Giài (chú Hai Bòn Bon) đã bán cây, trên tỉ đồng với giá 1,8-2 triệu đồng/cây (từ 5-10 tuổi). Có những cây cổ thụ trên 50-70 năm tuổi đã được bán với giá vài chục triệu đồng/cây cũng nhằm mục đích tạo trầm theo bí quyết riêng của từng Công ty.
Nhiều nhà đầu tư tự tạo trầm trong cả nước đã và đang tiếp tục hoàn chỉnh kỹ thuật cấy tạo trầm và thăm dò thị trường. Những bí quyết tạo trầm trong nước hiện nay vẫn còn là “bí mật”, chưa được đánh giá theo tiêu chuẩn chung nên chất lượng và sản lượng trầm của từng đơn vị khác nhau chưa thể so sánh được. Đây không chỉ là khó khăn trong quản lý mà còn là nỗi hoang mang về thông tin chủ rừng. Từng Công ty hiện nay chỉ thu mua sản phẩm trầm cấy tạo theo kỹ thuật của mình. Trong đó, không ít những thông tin trái ngược nhau về kỹ thuật. Chẳng hạn sử dụng hóa chất hay vi sinh nào tốt hơn cho người sử dụng và hiệu quả phương pháp nào cao hơn…. Ngoài ra, người trồng rừng không thể có một vài trăm triệu đầu tư cấy tạo trầm trên 1 ha, vì đa số đều là dân nghèo hoặc rất nghèo sống ở vùng đồi núi. Chủ rừng chỉ có thể bán “cây non” cho các Công ty này sau 5-10 năm trồng và chăm sóc. Do đó, Công ty nào mua cây với giá cao hơn thì chủ rừng sẽ bán là điều chắc chắn. Rất nhiều hộ dân đã và đang trồng dó bầu một cách tự nguyện vào vườn rẫy của mình.
Việc định hướng phát triển cho loài cây dó bầu trên cả nước đang rất cần những chính sách hỗ trợ và thống nhất quản lý một cách bền vững. Thời gian trồng và thu được sản phẩm từ cây dó bầu khá dài, sớm nhất là 5-7 năm. Theo thống kê Hội Trầm hương Việt Nam, cả nuớc có gần chục ngàn ha trải dài trên 23 tỉnh. Diện tích tăng dần hằng năm như “phong trào” tự phát và chưa được định hướng. Để tránh tình trạng trồng ồ ạt sau 5-7 năm, chặt cũng ồ ạt như lịch sử cây điều, cây mía, cà phê, tràm hay quế… việc phát triển của dó bầu rất cần có giải pháp về chính sách khuyến khích đầu tư theo kế hoạch dài hạn và những nghiên cứu dự báo về quan hệ cung cầu của thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, người dân nghèo vùng đồi núi An Giang chỉ mới được đầu tư khoảng 2% diện tích trồng rừng hằng năm của Chương trình Quốc gia (661). Do đó, chủ yếu phong trào trồng dó bầu chỉ do dân tự đầu tư là chính, thiếu kế hoạch hỗ trợ lâu dài của Nhà nước. Ngoài ra, vấn đề cốt lõi là thị trường tiêu thụ cũng chưa được thông tin và nghiên cứu đầy đủ một cách có hệ thống từ trong và ngoài nước.
Về quản lý, Nhà nước cần sử dụng những công cụ quản lý hành chính phù hợp nhằm bảo vệ được quyền lợi chính đáng của cả người trồng rừng và những doanh nghiệp thực sự có công nghệ tạo trầm hiệu quả. Chẳng hạn, từng doanh nghiệp trước khi được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực tạo trầm phải được công nhận quyền sử dụng hoặc sở hữu một dây chuyền, công nghệ tạo trầm được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hiện nay, hầu hết các đơn vị kinh doanh tạo trầm đều chưa được công nhận quyền sáng chế và bảo vệ theo luật Sở hữu trí tuệ (TS. Võ Văn Chi, 8/2006), ngoại trừ kỹ thuật tạo trầm của TRP.
Hiện nay, các nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, thâm canh trồng rừng đạt hiệu quả cao vào sản xuất dó bầu còn rất thiếu. Đó là những nghiên cứu về giống, kỹ thuật thâm canh rừng, kỹ thuật tối ưu sản xuất trầm có chất lượng cao phù hợp tiêu chuẩn của thị trường trong và ngoài nước.
Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi người trồng rừng trong cơ chế hội nhập thị trường thế giới, Hiệp hội Trầm hương trong cả nước cần sớm đưa hoạt động của mình ngang tầm và có hiệu quả hơn, theo mô hình của những nước tiên tiến.
Dó bầu có tiềm năng to lớn trong nâng cao đời sống người trồng rừng, lại là loài cây quý hiếm bản địa có ảnh hưởng tốt cho môi trường. Song việc phát triển cần tránh những “ảo tưởng” làm giàu không tốn nhiều công sức, một sáng một chiều như một số người “hoang tưởng”. Ngoài những định hướng và hỗ trợ của Nhà nước, kêu gọi đầu tư nước ngoài, người trồng rừng còn phải trông cậy vào chính nội lực của mình, từ sự cần cù sáng tạo nhằm xóa đói giảm nghèo. Những mô hình mẫu tận dụng đất đai vườn rẫy hiện có để làm giàu như ông Hai Bòn Bon tại chân Núi Giài, đã đổi đời từ vườn dó bầu, chỉ rộng mấy ngàn mét vuông trên đất xấu bạc màu, là điểm sáng động viên nhiều hộ trồng rừng đầu tư trồng xen cây dó bầu vào vườn rẫy của mình.
Trầm được hình thành chính nhờ cơ chế tự phục hồi các vết thương một cách tuyệt vời thông qua quá trình sản sinh ra những tế bào gỗ mới (nhựa) quanh vết thương khi cây dó bị tổn thương, nhằm làm lành vết thương nhanh chóng nếu không bị vật cản. Nhựa hình thành ngày càng nhiều quanh vết thương như phản ứng tự bảo vệ và hình thành trầm (Blanchette, 2005). Trầm có giá trị cao chính nhờ những terpense thơm riêng có mà chỉ cây dó bầu (Aquilaria sp.) và một ít loài cây khác mới có thể tạo ra được. Kết quả những nghiên cứu này đã mở ra bước ngoặc, con người đã và sẽ “tạo trầm” thay vì “tìm trầm” như từ trước đến nay. Muốn tạo được trầm, có thể dùng nhiều phương pháp khác nhau nhưng tập trung vào yếu tố chính: Gây tổn thương, thành phần hợp chất tác động vào tế bào gỗ (vi sinh, hóa chất, côn trùng …). Kỹ thuật tác động khác nhau sẽ ảnh hưởng tới chất lượng và sản lượng trầm. Ngoài ra, quá trình hình thành trầm còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố: Giống, kỹ thuật lâm sinh tác động, điều kiện hoàn cảnh nơi gây trồng (độ cao, đất, lượng mưa…)…
Một số cá nhân, công ty kinh doanh khác (Công ty Vĩnh Phúc, Fareast Agarwood Trading Inc…) cũng đã tuyên bố kết quả cấy tạo trầm thành công của mình tại núi Giài (An Giang) đang ký hợp đồng thu mua cây dó bầu với chủ rừng để cấy tạo trầm. Một dự án đầu tư phát triển toàn diện trên cả nước là yêu cầu cấp thiết cho sự phát triển lâu bền có hiệu quả của loài cây quý hiếm này.
Tiến sỹ Nguyễn Thi Bich Thuỷ
Chi cục Kiểm lâm An Giang
Vui lòng trả lời câu hỏi sau: Con hổ có mấy chân?